Chuột Hamster Robo
Chuột Hamster Bear
Chuột Hamster Bear
Chuột Hamster Bear
Chuột Hamster Bear
Chuột Hamster Bear
Tổng hợp các thông tin về chuột Hamster
Chuột Hamster không chỉ là một loài động vật nhỏ bé, đáng yêu mà còn là một người bạn đồng hành lý tưởng. Với tính cách hiền lành và dễ chăm sóc, dòng chuột này đã trở thành một trong những loài thú cưng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ khám phá những điểm nổi bật và lý do tại sao chuột hamster lại là lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm một chú pet dễ thương để nuôi dưỡng.
1. Chuột Hamster là gì?
1.1. Nguồn gốc của chuột Hamster
Chú chuột Hamster đầu tiên được phát hiện vào năm 1839 bởi nhà động vật học George Waterhouse khi ông đang đi công tác ở Syria. Tuy nhiên mãi đến năm 1939 các nhà nghiên cứu mới thành công trong việc nuôi và thuần hóa loài chuột này làm thú cưng.
Với sự phát triển nhanh chóng, loài chuột Hamster ngày càng được săn đón, xét về độ phổ biến thì chúng chỉ đứng sau chó, mèo, cá và thỏ.
1.2. Đặc điểm ngoại hình
Chuột Hamster là một loài vật nuôi này vô cùng dễ thương với các đặc điểm nhận dạng vô cùng đặc trưng. Sau đây là các đặc điểm ngoài hình của loài vật này:
Kích thước | – Kích thước trưởng thành của hamster trung bình 7-10cm
– Riêng Hamster Bear sẽ có kích thước 15-20cm khi trưởng thành – Thông thường con cái sẽ to hơn con đực |
Khối lượng | – Hamster Bear: 110-140g
– Các dòng Hamster khác (Robo, Winter White, Campell): 35-50g |
Tuổi thọ | – Từ 2-3 năm trong môi trường nuôi nhốt |
Chân | – Có 4 chân, chân ngắn so với cơ thể.
– Có tổng 18 ngón chân: hai chi trước 8 ngón, hai chi sau 10 ngón |
Lông | – Bộ lông mềm bao phủ khắp cơ thể
– Có nhiều loại (ngắn, dài, xoăn) và nhiều màu lông khác nhau (đen, xám, vàng, trắng, trắng tuyền, vàng kim…) – Dòng winter white đặc biệt có khả năng chuyển màu lông vào mùa Đông. |
Răng | – Hamster sẽ có 4 chiếc răng cửa với nhiệm vụ cắn, gặm,… Còn răng hàm sẽ nằm sâu hơn ở trong để nghiền thức ăn
– Những chiếc răng cửa sẽ không ngừng dài ra suốt vòng đời của chúng, bởi vậy chúng phải ăn liên tục hoặc cắn đồ vật để mài bớt răng đi – Nếu răng cửa mọc quá dài, hamster sẽ chết |
Túi má | – Các túi má giúp chuột chứa một lượng lớn thức ăn. Khi túi má đầy, đầu của Hamster sẽ to gần gấp đôi lúc bình thường, tạo nên vẻ ngoài rất thú vị và ngộ nghĩnh.
– Túi má này không có chức năng tiêu hoá |
Đuôi | – Hamster có đuôi nhưng rất ngắn, hầu như không thể nhìn thấy khi bé đang ngồi |
1.3. Môi trường sống của chuột Hamster
Trong tự nhiên chuột Hamster thích sống ở những khu vực như thảo nguyên, rìa sa mạc và cồn cát,… Những nơi này có đặc điểm chung là những khu vực ấm áp và khô ráo. Khi mùa Đông đến, thời tiết trở lên quá lạnh, hamster sẽ “ngủ nướng” và thức dậy tìm kiếm thức ăn khi thời tiết ấm áp trở lại.
1.4. Tập tính của chuột Hamster
Hoạt động về đêm
Hamster là loài hoạt động về đêm, chúng thường hoạt động mạnh từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Thói quen này vẫn sẽ giữ trong môi trường nuôi nhốt, vì thế bạn sẽ thấy các bé hoạt động nhiều và rất hay nghịch ngợm vào ban đêm.
Chiếm hữu lãnh thổ
Hầu hết hamster đều thích sống đơn độc. Với bản tính chiếm hữu lãnh thổ cao, nếu nuôi chung nhiều cá thể hamster chúng sẽ đánh nhau đến tử vong. Muốn nuôi ghép thì chúng phải được ở với nhau từ khi còn nhỏ để quen mùi của nhau.
Thích đào hang
Những chú chuột Hamster có khả năng đào hang đáng kinh ngạc. Trong tự nhiên, chúng có thể “xây dựng” hệ thống hang ổ sâu tới 0.7m.
Hamster thường sử dụng chân trước, chân sau, mõm và răng để đào hang một cách khéo léo. Ngay cả trong môi trường nuôi nhốt, chúng vẫn giữ nguyên thói quen này, bạn sẽ thường xuyên thấy chúng có hành vi đào hang làm tổ trong quá trình nuôi.
2. Có những loại chuột Hamster nào?
Hiện nay trên thế giới có đến 26 loài hamster khác nhau , tuy nhiên ở Việt Nam chỉ phổ biến 4 loại hamster sau:
2.1. Hamster Bear
Tên thường gọi | Hamster Bear, Hamster Gấu, Syrian Hamster |
Tuổi thọ | Từ 2 – 4 năm |
Kích thước | 15 – 20cm |
Khối lượng | 100 – 200g |
Giá thành | 80.000 – 300.000 đồng |
Hamster Gấu hay Syrian Hamster là giống Hamster có kích thước lớn nhất. Chuột Hamster Bear có tính khí hiền lành và ít khi cắn, dễ thuần hóa và thân thiện với con người. Mặc dù hiền lành nhưng bản tính chiếm hữu lãnh thổ cao nên dòng hamster này phải được nuôi một mình.
2.2. Hamster Winter White
Tên thường gọi | Hamster Winter White, Syberia Hamster |
Tuổi thọ | Từ 2 – 3 năm |
Kích thước | 7 – 10cm |
Khối lượng | 35 – 50g |
Giá thành | 80.000 – 200.000 đồng |
Chuột Hamster Winter White là dòng hamster khá hiền lành, ngoan ngoãn và ít cắn. Đây là dòng hamster dễ thuần nhất, thường được những người mới nuôi hoặc các phụ huynh lựa chọn khi mua thú cưng cho con. Nếu nuôi ghép từ nhỏ, dòng hamster này có thể nuôi từ 2 con trở lên.
2.3. Hamster Robo
Tên thường gọi | Hamster Robo, Dwarf Hamster |
Tuổi thọ | Từ 2 – 3 năm |
Kích thước | 4,5 – 5cm |
Khối lượng | 20 – 25g |
Giá thành | 100.000 – 250.000 đồng |
Trong các dòng chuột hamster phổ biến ở Việt Nam thì chuột Hamster Robo có kích thước nhỏ nhất. Không những vậy chúng còn rất nhanh nhẹn, nhút nhát và khó thuần phục. Dòng hamster này sẽ không phù hợp với những người mới nuôi hoặc ai ưa thích việc cầm, bế chuột bởi chúng sẽ tìm cách chạy khỏi bạn. Ngoài ra giá của chuột Robo cũng khá cao so với các dòng còn lại.
2.4. Hamster Campell
Tên thường gọi | Hamster Campell, Campbell's Dwarf Hamster |
Tuổi thọ | Từ 2 – 3 năm |
Kích thước | 7 – 10cm |
Khối lượng | 35 – 50g |
Giá thành | 50.000 – 100.000 đồng |
Chuột Hamster Campell có ngoại hình khá giống với dòng Winter White nhưng tính cách của hai dòng này lại trái ngược hoàn toàn. Nếu dòng Winter White hiền khô thì dòng Campell lại cực kỳ hung dữ, nhút nhát mỗi khi con người đến gần. Đây cũng là dòng hamster hay cắn nhất, vì vậy chúng chỉ phù hợp với những người đã có kinh nghiệm nuôi.
3. Cách nuôi chuột Hamster
3.1. Không gian nuôi
Không gian nuôi rất quan trọng với Hamster, một nơi ở tốt sẽ giúp cho chuột phát triển khỏe mạnh, vui vẻ và mau lớn. Để setup một môi trường nuôi lý tưởng cho hamster, bạn cần lưu ý những thứ sau:
– Kích thước chuồng tối thiểu là 60x40x40cm, đối với những dòng Hamster Bear có thể sẽ cần nhiều không gian hơn nên sẽ cần cỡ lồng to hơn.
– Chất liệu lồng: Nên lựa chọn lồng được làm từ những chất liệu như sắt, nhựa, mica. Hạn chế sử dụng lồng bằng gỗ vì các bé sẽ gặm chuồng.
– Bên cạnh chuồng bạn cũng cần sắm thêm các phụ kiện cho chuồng như nhà ngủ, nhà tắm, bát ăn, bình nước, các đồ chơi để bé vận động và giải trí như wheel chạy, xích đu,…
– Lót chuồng bằng các vật liệu thấm hút tốt (mùn cưa, cát sand,…), dựa vào tuỳ từng mùa mà bạn có thể chọn lót chuồng phù hợp. Nên lót dày một chút để bé có thể đào bới làm tổ.
– Về vị trí đặt lồng, bạn nên để lồng ở nơi yên tĩnh, mát mẻ, tránh để chuồng ở gần các thiết vị vô tuyến.
@hamstermilkahanoi Làm ổ cho mấy ẻm hamster #hamstercage #hamstercagetour #hamstercagesetup #hamstercages #hamstercageclean #hamstercagecleaning #hamsterww #hamsters #hamster #hamsterwinterwhite #trending #xuhuong #xh #trendingsong #hamsterandgretel
♬ bandaid - Abby Roberts
3.2. Thức ăn và nước uống
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và tuổi thọ của chuột hamster, trong khẩu phần ăn của chuột hamster cần bao gồm:
Thức ăn
Thức ăn của chuột chủ yếu là hỗn hợp thức ăn hạt, các loại hạt ngũ cốc, rau khô.
Kết hợp bổ sung các loại rau củ quả tươi, thức ăn dặm 1-2 lần/ tuần. Hạn chế cho ăn đồ tươi thường xuyên vì dễ gây tiêu chảy.
Tuyệt đối không cho hamster ăn các loại thực phẩm:
– Các loại hạt trái cây: Các hạt trái cây có vỏ cứng, hamster sẽ không nhai được, nuốt chửng vào dạ dày cũng sẽ không tiêu hóa được. Đặc biệt tránh các loại hạt như hạt táo, hạt lê do chứa chất độc với cơ thể các bé hamster.
– Đồ ăn của con người: Gia vị, dầu mỡ trong đồ ăn của con người có hại cho sức khỏe của hamster.
– Các loại bánh kẹo và đồ ăn vặt, đặc biệt là socola – đây là chất cực nguy hiểm với cơ thể của hamster.
Nước uống
Nước sạch rất cần thiết và phải luôn có sẵn trong chuồng, bạn nên sử dụng bình bi treo thay vì sử dụng bát đựng nước để đảm bảo vệ sinh và giữ chuồng luôn khô ráo.
Bình nước để lâu ngày là một môi trường thuận lợi để các mầm bệnh và vi khuẩn phát triển. Vì thế hãy nhớ thay nước mỗi ngày nhé!
Có thể bạn quan tâm: Mách bạn 3 cách làm bình nước cho chuột Hamster tại nhà
Bổ sung khoáng chất
Bạn có thể bổ sung Vitamin cho Hamster bằng cách nhỏ chúng vào nước uống hoặc bổ sung qua rau củ tươi.
Những lưu ý khi cho ăn
Nên cung cấp lượng thức ăn vừa đủ bởi loài vật nuôi này có tập tính trữ thức ăn trong túi má. Nếu thức ăn dư thừa, trữ trong túi má lâu có thể bị hỏng – ôi thiu, sẽ có hại cho hệ tiêu hóa của bé và gây viêm túi má.
Lượng thức ăn tiêu chuẩn một ngày nên bằng khoảng 10% trọng lượng cơ thể của chúng.
3.3. Các bệnh thường gặp ở Hamster
Ướt đuôi
Đây là bệnh rất phổ biến và dễ truyền nhiễm ở hamster, nguyên nhân có thể liên quan đến vi khuẩn Campylobacter jejuni hoặc do căng thẳng, thay đổi chế độ ăn đột ngột. Khi mắc bệnh này hamster có thể tử vong rất nhanh nên cần đưa đi thú y ngay khi phát hiện những biểu hiện.
Tiêu chảy
Nguyên nhân của tiêu chảy thường đến từ việc ăn quá nhiều đồ tươi, bị stress lâu ngày hoặc đồ ăn không đảm bảo. Khi này chuột sẽ bị mất nước rất nhiều vì thế hãy bổ sung nước liên tục kết hợp với thuốc tiêu chảy cho pet hoặc trẻ sơ sinh. Ngừng cho ăn đồ tươi đến khi bé khỏi hoàn toàn.
Cảm lạnh
Nguyên nhân thường do thời tiết thay đổi thất thường, nơi đặt chuồng không kín gió hoặc do tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh. Để phòng tránh thì vào mùa lạnh bạn nên đặt chuồng ở nơi kín gió, sử dụng mùn cưa lót chuồng giữ ấm và bổ sung các khoáng chất để bé tăng sức đề kháng.
Sốc nhiệt
Tình trạng này thường xảy ra vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao. Nguyên nhân thường đến từ việc bé bị quá nóng hoặc bị đưa vào nơi có nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Đây là một tình trạng hết sức nguy hiểm đến tính mạng của hamster. Để biết cách xử lý khi bé hamster của bạn bị sốc nhiệt, mời bạn đọc chi tiết bài viết: Biểu hiện và cách xử lý khi Hamster bị sốc nhiệt
Áp xe
Áp xe là hiện tượng vết thương bị nhiễm trùng, dẫn đến mủ tích tụ thành một cục lớn. Xử lý tình trạng này bằng cách mổ loại bỏ phần áp xe kết hợp dùng kháng sinh và rửa vết thương. Lưu ý không nên tự xử lý tình trạng này tại nhà mà nên mang ra thú y, bởi nếu không xử lý đúng cách, mủ không được loại bỏ hoàn toàn thì tình trạng sẽ tái phát và kéo dài.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Hamster có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến viêm phổi. Các dấu hiệu bao gồm hắt hơi, chảy dịch từ mắt hoặc mũi, thở khò khè và uể oải, bỏ ăn. Để phòng tránh, bạn nên để chuồng ở nơi có không khí sạch sẽ, tránh sử dụng mùn cưa kém chất lượng (những loại mùn cưa này có nhiều bụi gỗ).
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1. Chuột Hamster có bị dại không?
Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Phan Văn Phong ở Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec cho hay: “Chuột và các động vật thuộc họ gặm nhấm ít bị nhiễm virus dại và chưa có báo cáo về việc lây truyền virus dại cho người từ nhóm động vật này. Tuy nhiên, bạn có thể mắc bệnh nếu như bị chuột hamster cắn. Vì thế, khi có các dấu hiệu bất thường như sốt, đau đầu, đau mỏi cơ,…thì bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị chuyên sâu, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.”
4.2. Chuột Hamster có cắn không?
Việc bị hamster cắn là điều hết sức bình thường và không phải hiếm gặp, nguyên nhân cắn đa phần do chúng tự vệ, phản xạ khi bị giật mình. Đôi khi cũng có thể tay bạn dính mùi khiến chúng lầm tưởng tay bạn là đồ ăn. Để tránh bị cắn, trước khi chơi với bé hamster bạn hãy rửa sạch tay, khi chơi đùa thì hết sức nhẹ nhàng và chậm rãi, tránh làm bé bị giật mình.
Việc bị hamster cắn là điều hết sức bình thường và không phải hiếm gặp
4.3. Nuôi chuột Hamster có bị bệnh không?
Nuôi chuột hamster không bị bệnh, bởi khác với chuột cống, chuột đồng chuột nhắt,… thuộc họ Arvicolinae mang nhiều mầm bệnh và phá hoại mùa màng thì chuột hamster thuộc phân họ Cricetidae (loài chuột đuôi cụt thuộc dòng gặm nhấm). Vì thế hamster đảm bảo an toàn để nuôi làm thú cưng, tất nhiên là điều này chỉ đúng khi bạn mua hamster tại những địa chỉ uy tín, chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng.
Trên đây là bài viết chia sẻ tất tần tật thông tin về chuột Hamster từ nguồn gốc, đặc điểm, phân loại đến cách nuôi. Hy vọng những thông tin mà chúng mình chia sẻ hữu ích với bạn. Nếu có nhu cầu tư vấn hoặc giải đáp thắc mắc, bạn đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi hoặc để lại bình luận phía bên dưới nhé!