Cách làm quen với chuột hamster không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách giữa bạn và bé mà còn giúp các bé tin tưởng bạn hơn. Để huấn luyện và làm quen với hamster thì không phải việc gì quá khó khăn nếu bạn thực sự yêu thích chúng và đủ kiên nhẫn. Trong bài viết này, Milka Hamster sẽ mách bạn cách thực hiện cũng như những lưu ý khi làm quen với hamster.
Phụ lục
1. Những điều cần làm khi mới đón bé Hamster về
Hamster là loài động vật nhạy cảm với môi trường mới, do vậy cần một thời gian để thích nghi. Nếu bạn không tuân thủ điều những này, việc hamster bị stress là điều không thể tránh khỏi:
– Chuẩn bị chuồng nuôi: Đảm bảo lồng nuôi đủ rộng, có đầy đủ không gian cho bé di chuyển.
– Đặt chuồng nơi yên tĩnh: Đặt chuồng ở nơi yên tĩnh, tránh xa các thiết bị điện tử, có thể phủ lên một lớp vải để hạn chế ánh sáng chiếu vào.
– Cung cấp thức ăn và nước uống: Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước cho bé, có thể bổ sung các loại rau củ tươi để bé đỡ căng thẳng.
– Để bé quen với môi trường mới: Tuyệt đối không cố gắng tiếp cận, chơi đùa với bé trong 2-3 ngày đầu mà hãy cho bé thời gian để thích nghi.
2. Cách làm quen với chuột Hamster đơn giản và hiệu quả
Sau khoảng thời gian 2-3 ngày thích nghi với môi trường sống mới, bạn có thể bắt đầu tiếp cận và làm quen với bé chuột của mình. Dưới đây là thứ tự thực hiện cách làm quen với chuột hamster:
Bước 1: Gọi tên
Hamster thường hoạt động vào ban đêm và ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, bạn có thể dần dần làm quen với lịch sinh hoạt của bé bằng cách nhẹ nhàng gọi tên mỗi khi bé thức dậy. Việc này giúp hamster nhận ra giọng nói của bạn và dần quen hơn.
Không nên gọi quá to hay đột ngột, hãy thì thầm nhẹ nhàng để tránh làm bé giật mình. Bạn hãy lặp lại điều này hàng ngày cho đến khi bé đã hoàn toàn quen bạn nhé!
Bước 2: Đưa tay vào lồng hàng ngày
Sau khi hamster đã quen với giọng nói của bạn, hãy thử đưa tay vào lồng nuôi. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đưa tay vào và sắp xếp lại đồ trong lồng của bé để bé bắt đầu làm quen với sự hiện diện của bạn.
Một mẹo hay để bé nhanh quen mùi bạn hơn đó là bạn lấy tay vo lót chuồng của bé hamster để mùi của bạn bám vào lót chuồng. Với tập tính thích làm tổ, bé sẽ tha lót chuồng đã dính mùi tay bạn vào nơi trú ngụ và sẽ dần quen mới mùi hương đó.
Bước 3: Làm quen bằng mồi ngon
Giai đoạn tiếp theo đó là bạn sẽ tìm loại thức ăn bé thích và dùng nó để “dụ dỗ” bé chuột. Ban đầu khi cho ăn bạn chỉ nên đưa thức ăn cho bé, sau dần dần bạn sẽ để đồ ăn ở lòng bàn tay để bé hamster tự trèo lên tay bạn ăn. Ở bước này rất nhiều bạn vì không đủ kiên nhẫn mà bỏ cuộc., nhưng chỉ cần qua được bước này thì gần như bé hamster đã tin tưởng bạn rồi.
Bước 4: Bắt đầu vuốt ve
Khi bé đã chấp nhận trèo lên tay bạn để lấy thức ăn điều đó chứng tỏ rằng bé đã tin tưởng bạn và cảm thấy an toàn khi ở gần bạn. Khi này bạn đã có thể đưa tay từ từ tiến lại gần bé, nếu thấy bé không có dấu hiệu bị giật mình và đề phòng thì bạn dùng các đầu ngón tay nhẹ nhàng vuốt từ đầu xuống lưng. Bé sẽ cảm thấy thoải mái cũng như cảm nhận được sự nhẹ nhàng của bạn đối với bé và sẽ trở nên gần gũi với bạn hơn rất nhiều.
Nhớ rửa sạch tay trước khi vuốt ve các bé ăn nhé, nếu không các bé có thể tưởng tay bạn là thức ăn và cắn nhầm đó. Hãy duy trì việc vuốt ve bé như vậy đều đặn khoảng 1 tuần rồi tiến tới bước tiếp theo.
Bước 5: Cho bé Hamster ra ngoài
Trước khi cho bé ra ngoài để chơi, bạn cần chuẩn bị một nơi chứa bé hamster để bé không chạy lung tung, lót thêm một chiếc khăn hoặc miếng vải để bé đỡ đau nếu chẳng may bị ngã. Sau đó bạn tiến hành bế bé ra ngoài, nhiều bạn còn nhát tay thì có thể sử dụng một chiếc ly để cho bé vào đó.
Khi bé ra ngoài, bạn có thể để bé khám phá xung quanh, cho bé ăn trên tay, bế bé và vuốt ve bé,… Đến đây thì mình nghĩ cả bạn và bé hamster đều đã khá quen với nhau rồi, có thể chơi với nhau mà không cần đề phòng gì.
3. Lưu ý khi làm quen với Hamster
Làm quen với chuột hamster mới không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nếu bạn tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, quá trình này sẽ trở nên thuận lợi hơn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp bạn và bé hamster nhanh chóng trở thành bạn thân:
Không làm phiền khi bé đang ngủ
Việc làm phiền khi đang ngủ có thể gây stress và làm cho chuột hamster trở nên hoảng sợ. Đây là loài động vật có thói quen ngủ ngày và hoạt động về đêm, vì vậy hãy để bé có không gian và thời gian để nghỉ ngơi vào ban ngày và chỉ tương tác khi bé tỉnh táo và hoạt động.
Luôn chậm rãi và nhẹ nhàng
Khi tiếp cận chuột hamster, hãy luôn chậm rãi và nhẹ nhàng, chuột hamster có thể dễ dàng bị hoảng sợ bởi những chuyển động đột ngột hoặc tiếng ồn lớn. Hãy nói chuyện với chúng bằng giọng nói nhẹ nhàng và sử dụng tay để từ từ đưa đến gần chúng. Điều này sẽ giúp chuột hamster cảm thấy an toàn hơn khi tiếp xúc với bạn.
Kiên nhẫn chính là chìa khoá
Một số bé chuột có thể mất thời gian để quen với môi trường mới và người chăm sóc mới. Đừng ép buộc hoặc cố gắng làm quen quá nhanh, hãy để chuột hamster có thời gian tự nhiên để cảm thấy thoải mái và tin tưởng bạn.
Qua bài viết trên, cách làm quen với chuột hamster đã trở nên dễ dàng hơn nhiều phải không nào! Hy vọng với những thông tin và kinh nghiệm mà chúng mình cung cấp, bạn sẽ có thể “chinh phục” được bé hamster nhà mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy để lại câu hỏi dưới phần bình luận hoặc liên hệ với chúng mình để được tư vấn và giải đáp nhé!